1. Bánh ướt mắm ruột Nha Trang – Món ăn bình dị, dẫn dã của thành phố biển
Làng ẩm thực thành phố biển Nha Trang từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm. Với hầu hết món ăn đều có nguyên liệu từ dưới biển, nền ẩm thực nơi đây phảng phất hương vị của biển cả, vừa ngọt lành, mặn mòi. Một trong những số đó không thể không nhớ đến bánh ướt mắm ruột nổi tiếng cả vùng phố Diên Khánh, Nha Trang.
Bánh ướt ăn kèm mắm ruột có màu nâu sậm, quánh đặc với nhân đắng dịu. Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt ngọt, beo béo và mặn mà từ sự kết hợp hài hòa giữa thịt và mắm. Đầu lưỡi tê tê, vị giác như bùng nổ vì sự cay nồng của trái ớt xiêm xanh. Hương thơm đặc trưng của mắm ruột càng tô đậm thêm cho hương vị món ăn thêm tuyệt hảo.
Mắm ruột được xem là tinh hoa ẩm thực của thành phố biển, được rất nhiều người yêu thích và xuất hiện trong bữa cơm hằng ngày của người dân bản địa. Nhiều người thường ăn kèm mắm ruột với cơm, chấm thịt luộc vì sự kết hợp hoàn hảo. Tuy nhiên bánh ướt chấm mắm ruột thì mới chuẩn bài, hút hồn bao du khách đã đặt đến xứ sở Trầm Hương.
Trên đĩa bánh ướt thường được rắc thêm các nguyên liệu khác như mỡ hành, đậu phộng, tôm xay nhuyễn, chả lụa. Món ăn này khá bắt mắt bởi đầy đủ sắc màu quyện hòa với nhau từ màu xanh của hành, màu trắng của bánh ướt, màu hồng hồng, đo đỏ của tôm xay.
Giữa tiết trời Nha Trang xinh đẹp, chấm một miếng bánh nóng hổi vào chén mắm ruột thơm ngon. Cắn miếng đầu tiên để cảm nhận vị cay cay, đắng dịu của mắm tan dần trong miệng. Hương thơm của gạo mới, của chén mắm quý được ủ lâu càng làm tăng sắc vị hương của các nguyên liệu ăn kèm. “Một chấm là đắm say, hai chấm là ngất ngây”, bánh ướt mắm ruột chắc chắn là món ăn bạn không thể bỏ qua khi khám phá thành phố biển.
2. Cách làm bánh ướt mắm ruột
2.1 Cách làm bánh ướt
Bánh ướt trông đơn giản nhưng thực chất cách chế biến lại bao gồm nhiều công đoạn. Ngày xưa khi chưa có bếp gas, các lò bánh phải nấu trên bếp than hồng, chụm củi mà khói thì bay mù mịt. Sau đó còn phải xay bột thủ công trên một chiếc cối bằng đá để bột bánh ướt trông thật nhuyễn. Đến lần thứ ba thì pha thêm nước và một ít muối vào bột.
Sau khi bánh chín, người tráng bánh sẽ dùng một cây ghim tre (còn gọi là cây chìa) để luồn vào lớp dưới chiếc bánh vuốt ra xếp lên dĩa. Tiếp đến sẽ tô điểm món ăn bằng một ít mỡ hành, tép mỡ, tôm xay,…để món ăn thêm phần bắt mắt và dậy lên hương vị. Mắm, chả lụa, giá trụng thường là những nguyên liệu đặc trưng khi ăn kèm với bánh ướt.
Khi ăn, bánh ướt mềm mịn, vị thanh thanh, lớp bánh mỏng manh rất dễ làm hài lòng cả thực khách khó tính nhất. Bánh ướt phải ăn khi còn nóng hổi thì mới ngon, vì vậy khi bánh vừa mới ra lò, bạn nên ăn ngay cùng với mắm ruột để hương vị món ăn không bị vơi bớt.
2.2 Cách làm mắm ruột
2.2.1 Sơ chế mắm ruột
Bánh ướt có thể ăn kèm với nhiều loại mắm như nước mắm, mắm nêm,…nhưng chấm cùng mắm ruột mới đúng chuẩn tinh hoa của nền ẩm thực miền biển. Mắm ruột được làm từ ruột cá bò, cá ồ hay cá ngừ đã được sơ chế kỹ càng, gạt bỏ chất bẩn và ngâm cá ngay trong chính nước màu lấy từ mang cá.
Trước khi đem phơi, người ta thường xếp một lớp cá, một lớp muối rồi đậy thầu thật kín và phơi nắng từ 2-3 ngày để tạo được hương thơm tuyệt hảo.
2.2.2 Chế biến mắm ruột
Mắm ruột được chế biến kỳ công với nhiều công đoạn:
Bước 1: Thịt ba chỉ cắt nhỏ, bỏ vào chảo lửa cho tiết ra hết mỡ, thịt teo lại rồi dập nhỏ tỏi bỏ vào để tăng mùi thơm.
Bước 2: Cho mắm ruột vào, khi mắm sôi thì nêm thêm đường, để lửa liu riu để hỗn hợp săn lại.
Bước 3: Đợi khi thấy mắm chuyển màu nâu đen, sệt sệt với hương thơm ngào ngạt thì tắt bếp.
Trông thì đơn giản nhưng nếu chỉ sơ suất nhỏ trong lúc canh bếp, đổ quá tay gia vị cũng dễ khiến món mắm nhanh chóng bị khét và mất đi hương vị truyền thống. Mắm ruột hiện nay đã có mặt tại nhiều nơi, nhưng chỉ có ở Nha Trang, món ăn này mới truyền tải đầy đủ được phong vị của biển khơi cùng mồ hôi công sức của người dân chày lưới.
Mắm ruốc đặc biệt rất ngon khi được ăn kèm với bánh ướt. Thưởng thức một dĩa bánh ướt mắm ruột giữa bầu không khí thoang thoảng làn gió biển càng làm tăng gia vị món ăn, giúp trải nghiệm ẩm thực của bạn càng thêm đa sắc màu, tuyệt vời khó quên.
3. Phố bánh ướt Diên Khánh
Phố bánh ướt Diên Khánh nằm tại huyện Diên Khánh, cách xa trung tâm thành phố Nha Trang 10 km. Nơi đây được bao phủ bởi những cánh đồng lúa bạt ngàn, mênh mông, là nơi sản sinh ra những gạt gạo dẻo thơm nổi tiếng. Các món ăn tại huyện Diên Khánh đa phần được làm từ bột gạo, đặc biệt là món bánh ướt mắm ruột độc đáo.
Đi dạo một vòng phố bánh ướt Diên Khánh, bạn sẽ thấy hai bên đường trải dài những hàng quán bánh ướt san sát nhau. Mỗi quán được trang trí bằng một tấm bảng lớn nhỏ, màu đỏ đập vào tầm mắt bao du khách. Dạo bước suốt con phố dài gần cả cây số, bạn chắc chắn sẽ không thể nào cưỡng lại được sức hút từ những lời mời gọi và bị níu chân bởi hương thơm bánh ngào ngạt.
Địa chỉ: thị trấn Diên Khánh, thuộc địa bàn thôn Phú Khánh Trung, xã Diên Thạnh, ven Quốc lộ 1A.
Phố bánh ướt hoạt động từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya và là địa điểm lý tưởng để người dân địa phương lẫn các du khách gần xa lui tới thưởng thức. Vào ban đêm, khung cảnh phố bánh ướt càng trở nên náo nhiệt, đông vui. Các quán bánh ướt phải làm việc không ngơi nghỉ để đáp ứng được nhu cầu ăn uống của thực khách.
Bánh ướt mắm ruột từ lâu đã trở thành món ăn đặc sắc không thể thiếu trong nền ẩm thực của thành phố biển. Được chế biến tỉ mỉ, thủ công cùng hương vị đặc trưng khó quên, bánh ướt mắm ruột gây nghiện cho biết bao tín đồ ẩm thực ngay từ lần đầu tiên đến với Nha Trang.
Tạ Mỹ Dung
Theo dõi fanpage Nha Trang Day để cập nhật tin tức hàng ngày.